Gây mê toàn thân - Hellobacsi

Tìm hiểu chung

Gây mê toàn thân là gì?

Gây mê là một kỹ thuật sử dụng phối hợp các thuốc để đưa bạn về trạng thái giống như đang ngủ trước khi thực hiện phẫu thuật hoặc thủ thuật y khoa nào đó. Sau khi gây mê toàn thân, bạn hoàn toàn không còn cảm nhận được cảm giác đau đớn vì đã hoàn toàn bất tỉnh, mất ý thức.

Quá trình gây mê thường sử dụng phối hợp giữa thuốc tiêm tĩnh mạch và khí hít (thuốc gây mê). Bạn sẽ có cảm giác như ngủ thiếp đi nhưng khi đó, não bộ bị ức chế để không còn phản ứng với tín hiệu đau hoặc phản xạ.

Bác sĩ tiến hành gây mê phải được chứng nhận đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực gây mê – hồi sức. Trong quá trình này, họ sẽ luôn theo dõi các chức năng quan trọng của cơ thể và kiểm soát hơi thở.

Khi nào cần thực hiện gây mê toàn thân?

Bác sĩ gây mê cùng với bác sĩ chủ trị sẽ cùng bàn luận và thống nhất cách gây mê tốt nhất cho bạn dựa trên loại phẫu thuật cần thực hiện, sức khỏe tổng thể và ý kiến của bạn. Một số phẫu thuật hoặc thủ thuật y khoa yêu cầu phải gây mê toàn thân trước khi thực hiện bởi vì quá trình đó có thể:

  • Mất nhiều thời gian
  • Gây mất nhiều máu sau khi thực hiện
  • Tiến hành trong môi trường lạnh
  • Ảnh hưởng đến hơi thở (đặc biệt là các phẫu thuật ở lồng ngực hoặc phần bụng trên)

Các hình thức gây tê cục bộ (gây tê tại chỗ) hay gây tê vùng có thể không phù hợp cho những thủ thuật y khoa trên.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)

Thận trọng

Những điều bạn cần biết trước khi gây mê toàn thân

Khi gây mê, các cơ ở đường tiêu hóa và đường hô hấp sẽ giãn ra, giữ cho thức ăn, axit dạ dày không đi từ dạ dày lên phổi. Do đó, bạn cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, tránh ăn uống trong một khoảng thời gian trước khi phẫu thuật.

Bạn có thể cần ngưng sử dụng một thuốc, chẳng hạn như aspirin hay các thuốc chống đông máu trong ít nhất 1 tuần trước khi phẫu thuật. Nguyên nhân là do các thuốc này có khả năng gây ra biến chứng trong khi phẫu thuật.

Một số vitamin và thảo dược, như nhân sâm, tỏi, bạch quả, St. John’s wort… cũng có khả năng gây ra biến chứng trong khi phẫu thuật. Vậy nên, hãy thông báo đầy đủ cho bác sĩ về chế độ ăn uống cũng như các sản phẩm mà bạn đang sử dụng.

Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường, hãy thông báo với bác sĩ vì sẽ cần thay đổi liều lượng thuốc điều trị trong thời gian nhịn ăn. Trường hợp bạn mắc chứng ngưng thở khi ngủ, đừng quên nhắc nhở bác sĩ để họ theo dõi cẩn thận hơi thở của bạn trong quá trình phẫu thuật.

Một số ít trường hợp người bệnh vẫn tỉnh táo sau khi đã gây mê toàn thân và trải nghiệm các cảm giác trong khi thực hiện phẫu thuật. Đây là một điều ngoài ý muốn có thể xảy ra với tỷ lệ ước tính khoảng 1–2 trên 1.000 trường hợp.

Do thuốc giãn cơ được dùng trước khi phẫu thuật nên người bệnh sẽ không thể cử động hay nói chuyện để thông báo với bác sĩ họ vẫn còn nhận thức hoặc cảm nhận được cơn đau. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý lâu dài, tương tự như rối loạn căng thẳng sau chấn thương ở một số người.

Tuy nhiên, hiện tượng này rất hiếm khi xảy ra. Một số yếu tố có thể liên quan là:

  • Phẫu thuật khẩn cấp
  • Sinh mổ
  • Thể trạng suy nhược
  • Sử dụng một số loại thuốc
  • Có vấn đề ở tim hoặc phổi
  • Sử dụng rượu hàng ngày
  • Liều thuốc gây mê được sử dụng thấp hơn liều cần thiết
  • Lỗi của bác sĩ gây mê, chẳng hạn như không theo dõi bệnh nhận hoặc không tính toán chính xác lượng thuốc gây mê đủ có tác dụng cho toàn bộ quá trình phẫu thuật

Các tác dụng phụ hay biến chứng do gây mê toàn thân là gì?

Quá trình gây mê toàn thân nhìn chung là tương đối an toàn. Thậm chí, những người có bệnh lý đáng lưu ý vẫn trải qua quá trình này mà không gặp phải vấn đề nghiêm trọng gì.

Thực tế, nguy cơ gặp phải biến chứng sẽ liên quan nhiều đến loại phẫu thuật được thực hiện và sức khỏe tổng thể.

Người lớn tuổi hoặc những người có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là trường hợp phải trải qua một phẫu thuật lớn có thể có khả năng cao bị ảnh hưởng đến tinh thần sau phẫu thuật, viêm phổi hoặc thậm chí là đột quỵ hay đau thắt ngực. Một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ gặp biến chứng trong quá trình phẫu thuật gồm:

  • Hút thuốc
  • Co giật, động kinh
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Béo phì
  • Tăng huyết áp
  • Đái tháo đường
  • Đột quỵ
  • Các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến tim, phổi hoặc thận
  • Các loại thuốc đang sử dụng, như aspirin có thể làm tăng biến cố xuất huyết
  • Có tiền sử nghiện rượu nặng
  • Dị ứng thuốc
  • Có tiền sử gặp phản ứng bất lợi với thuốc gây mê

Những yếu tố rủi ro này thường có mối liên hệ với quá trình phẫu thuật hơn so với kỹ thuật gây mê.

Quy trình

gây mê

Chuẩn bị trước khi gây mê toàn thân

Trước khi được gây mê toàn thân, bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn và đặt một vài câu hỏi về:

  • Tình trạng sức khỏe
  • Các thuốc kê đơn, không kê đơn, dược liệu hay thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng
  • Tiền sử dị ứng
  • Trải nghiệm gây mê trước đây, nếu có

Các thông tin này sẽ giúp bác sĩ gây mê lựa chọn được thuốc phù hợp, an toàn cho bạn.

Quá trình gây mê toàn thân diễn ra như thế nào?

Bác sĩ thường tiêm thuốc gây mê qua tĩnh mạch ở cánh tay. Đôi khi, bạn được dùng phối hợp với khí hít gây mê qua mặt nạ thở. Sử dụng khí hít phù hợp hơn cho đối tượng là trẻ em.

Khi bạn rơi vào trạng thái mất ý thức, bác sĩ đưa một ống thở qua miệng, xuống khí quản (đặt nội khí quản). Điều này giúp đảm bảo cơ thể bạn nhận đủ lượng oxy và bảo vệ phổi không bị máu hoặc dịch tràn vào. Để đưa ống vào dễ dàng hơn, bác sĩ sẽ dùng thuốc giãn cơ trước đó để các cơ khí quản giãn ra.

Một số lựa chọn khác có thể được sử dụng, chẳng hạn như dùng mặt nạ thở giúp kiểm soát hơi thở trong quá trình phẫu thuật.

Một bác sĩ gây mê sẽ liên tục theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bạn. Họ sẽ điều chỉnh thuốc, nhịp thở, thân nhiệt, dịch truyền và huyết áp khi cần thiết. Bất kỳ vần đề nào xảy ra trong lúc phẫu thuật đều được xử lý bằng các thuốc hỗ trợ, dịch truyền, đôi khi cần truyền máu.

Điều gì xảy ra sau khi gây mê toàn thân

Sau khi phẫu thuật kết thúc, người bệnh được chuyển sang một phòng chăm sóc đặc biệt và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn cho đến khi tỉnh lại. Bạn có thể cảm thấy hơi choáng váng, không tỉnh táo khi vừa tỉnh dậy. Một số tác dụng phụ thường gặp phải là:

  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Khô miệng
  • Đau họng
  • Đau cơ
  • Ngứa
  • Rùng mình
  • Buồn ngủ
  • Khàn giọng

Bạn cũng có thể cảm thấy đau hay có những tác dụng không mong muốn khác. Lúc này, bác sĩ hoặc các nhân viên y tế sẽ hỏi về cơn đau hay tác dụng phụ mà bạn đang chịu đựng. Một số thuốc giảm đau, giảm buồn nôn có thể được chỉ định.

Phục hồi

Phục hồi sau khi gây mê toàn thân

Sau khi tỉnh dậy và trạng thái cơ thể ổn định lại, bạn sẽ được chuyển từ phòng hồi sức về phòng bệnh thường. Tùy từng trường hợp, bạn có thể ở lại bệnh viện từ vài giờ đến vài ngày sau khi phẫu thuật.

Nhìn chung, thuốc gây mê thường gây ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung và phản xạ trong vài ngày sau đó. Vì vậy, bạn nên nhờ người thân đến chăm sóc bạn ít nhất trong 24 giờ sau khi phẫu thuật, kể cả khi bạn được phép xuất viện. Bác sĩ cũng khuyên bạn tránh lái xe, uống rượu hay đưa ra những quyết định quan trọng (như ký các giấy tờ có tính pháp lý) trong khoảng 24–48 giờ sau khi hồi phục.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

The post Gây mê toàn thân appeared first on Hello Bacsi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bạn nên làm gì khi cậu nhỏ bị xước? - Hellobacsi

Cách điều trị kinh nguyệt không đều do bị stress - Hellobacsi

Giao tiếp với người khiếm thính: Cần kiên nhẫn và đúng cách - Hellobacsi