COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra - Hellobacsi

Tìm hiểu chung

Virus corona mới (SARS-CoV-2) và COVID-19 là gì?

Virus corona là một họ virus lớn có thể gây bệnh ở động vật hoặc người. Ở người, một số chủng virus corona được biết là gây nhiễm trùng đường hô hấp từ mức độ nhẹ như cảm lạnh thông thường đến các bệnh viêm đường hô hấp nghiêm trọng hơn, như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) và Hội chứng suy hô hấp cấp nặng (SARS-CoV). Gần đây, một chủng virus corona mới gây bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp khá giống với SARS và bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 12-2019.

Tuy chưa có thông tin đầy đủ, rõ ràng về chủng virus corona mới này nhưng theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), chúng đã được đặt tên là SARS-CoV-2 và bệnh viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus này gọi là COVID-19 (viết tắt từ cụm từ “coronavirus disease 2019”, trong đó “disease” có nghĩa là bệnh). Đây là các tên gọi chính thức liên quan đến dịch bệnh mới này.

Virus SARS-CoV-2 cũng thuộc chi beta coronavirus và có khả năng gây bệnh trên người, tương tự như MERS-CoV và SARS-CoV. Theo lộ trình di chuyển từ các bệnh nhân COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc thì chủng virus corona mới này có khả năng xuất hiện từ một khu chợ hải sản và động vật sống, cho thấy con đường lây truyền từ động vật sang người. Sau đó, số bệnh nhân nhiễm bệnh được báo cáo chưa từng tiếp xúc với động vật tăng lên đã cảnh báo khả năng lây lan từ người sang người của virus này.

COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra có diễn biến như thế nào?

Với mức độ lây lan nhanh chóng và số lượng người nhiễm bệnh tăng chóng mặt, vào ngày 31-1-2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh COVID-19 là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC).

Tính đến hết tháng 2-2020, dịch COVID-19 đã lan ra 31 tỉnh thành của Trung Quốc và 60 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận có trường hợp mắc bệnh. Tính trên toàn thế giới, đã có hơn 85.000 người mắc và hơn 2.900 người tử vong vì dịch bệnh này. Các con số này dự đoán còn tăng thêm vì dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Một người có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 qua các con đường sau:

  • Tiếp xúc gần với người mang virus gây bệnh (trong khoảng 1,8m)
  • Tiếp xúc hoặc hít phải các giọt dịch tiết hô hấp từ người bệnh khi họ ho, hắt hơi hay chảy nước mũi
  • Tiếp xúc với bề mặt hoặc đồ vật có dính virus rồi đưa tay chạm lên mắt, mũi, miệng

Bệnh dễ lây lan nhất khi người bệnh đã xuất hiện những triệu chứng bệnh nặng. Tuy nhiên, một số trường hợp lây nhiễm xảy ra trước khi người mang virus gây bệnh có biểu hiện triệu chứng (thời gian ủ bệnh) nhưng đây không phải là hình thức lây truyền chính và nguy cơ nhiễm bệnh lúc này là rất thấp.

Mặc dù các điều tra ban đầu cho thấy virus SARS-CoV-2 có khả năng hiện diện trong phân người bệnh nhưng nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc với sản phẩm bài tiết từ hệ tiêu hóa khá thấp. Đây cũng không phải con đường lây truyền chính của dịch bệnh này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về cách thức lây truyền COVID-19 do virus SARS-CoV-2 và liên tục cập nhật các thông tin mới liên quan đến vấn đề này.

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của COVID-19 do virus SARS-CoV-2 là gì?

Theo những trường hợp đã xác nhận mắc phải COVID-19, người bệnh có các biểu hiện bệnh lâm sàng rất đa dạng, từ không có triệu chứng, giống cảm lạnh thông thường, cho tới những biểu hiện bệnh lý nặng hơn và gây tử vong (đặc biệt ở người cao tuổi, có bệnh mạn tính hay suy giảm hệ miễn dịch).

Các triệu chứng phổ biến nhất là:

  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Ho khan
  • Khó thở

triệu chứng covid 19

Một số người có thể cảm thấy đau nhức, nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng hoặc tiêu chảy. Những triệu chứng này thường nặng dần theo thời gian, có thể diễn biến thành viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong.

Cũng có trường hợp người nhiễm phải virus gây bệnh nhưng không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào và cũng không cảm thấy mệt mỏi hay không khỏe.

Theo WHO, cứ 6 người mắc phải COVID-19 thì có 1 người tiến triển nặng và cảm thấy khó thở nghiêm trọng. Người cao tuổi và những người có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim hay đái tháo đường sẽ có nguy cơ cao bị viêm đường hô hấp cấp nặng hơn những người khác. Theo thống kê hiện nay thì khoảng 2% số người nhiễm bệnh đã tử vong.

Theo CDC, các triệu chứng của COVID-19 có thể xuất hiện sau ít nhất từ 2–14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh (thời gian ủ bệnh). Do đó, người vừa đi đến vùng dịch hoặc tiếp xúc với người được xác nhận đã nhiễm bệnh cần được cách ly trong 14 ngày để theo dõi, tránh lây lan virus cho cộng đồng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây COVID-19 là gì?

Nguyên nhân gây ra COVID-19 là chủng virus corona mới có tên gọi là SARS-CoV-2 được cho là lây truyền từ động vật sang người. Như thông tin được đề cập bên trên, đây là chủng virus mới thuộc họ coronavirus và có khả năng gây bệnh trên người, bắt đầu bùng dịch từ Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác định rõ các đặc tính của chủng virus mới này.

Những người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 và cần được cách ly là những người:

  • Đã đi đến vùng dịch gần đây
  • Tiếp xúc gần với một người đã xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán COVID-19 do virus SARS-CoV-2?

Tại thời điểm này, để chẩn đoán chính xác một người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì bạn phải đến các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm này (*). Kỹ thuật giúp xác định chủng virus corona mới là kỹ thuật Real time RT-PCR với mẫu bệnh phẩm là dịch tiết đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được lấy bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường quy định. Ngoài ra, có thể xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật giải trình tự gene.

Trường hợp mới nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cấp phép để đưa ra kết luận cuối cùng.

Nếu bạn hoặc phát hiện người khác có các triệu chứng nghi ngờ bị nhiễm virus gây bệnh, hãy liên lạc với đường dây nóng 1900 3228 để cung cấp các thông tin, ý kiến về tình hình dịch bệnh trên toàn quốc và nhận tư vấn cách phòng chống dịch.

(*) Tại Việt Nam, có khoảng 30 phòng xét nghiệm có thể xét nghiệm COVID-19 bao gồm:

  1. Các viện: Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng Trung ương.
  2. Các trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Lào Cai.
  3. Các bệnh viện: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Nhi TƯ; Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện TƯ Huế.
  4. Một số đơn vị khác: Viện Thú y; Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội; Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga; Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương, 6 Chi cục thú Y vùng.

Những phương pháp điều trị COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh nên chủ yếu là điều trị triệu chứng, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có).

Các ca bệnh nghi ngờ hoặc có thể bị đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu nhằm chẩn đoán xác định bệnh. Ca bệnh xác định cần nhập viện theo dõi và cách ly hoàn toàn.

Bạn có thể tìm kiếm và tham khảo thêm Quyết định 322/QĐ-BYT 2020 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus corona mới (2019-nCoV) vào ngày 6-2-2020.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa COVID-19 do virus SARS-CoV-2?

phòng ngừa covid 19

Vì vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa dịch COVID-19 nên cách tốt nhất để phòng tránh bệnh là tránh tiếp xúc với virus gây bệnh. Bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa hàng ngày để ngăn chặn sự lây lan các bệnh về đường hô hấp, kể cả COVID-19 do virus SARS-CoV-2.

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc chà (xoa) tay bằng cồn khô/nước rửa tay khô có gốc cồn
  • Che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế, khăn giấy, ống tay áo hoặc khuỷu tay khi ho hay hắt hơi
  • Tránh tiếp xúc gần mà không có đồ bảo hộ với bất kỳ ai có triệu chứng cảm lạnh giống như cúm
  • Đi khám bệnh khi thấy có dấu hiệu sốt, ho và khó thở

Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Nếu cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh thì phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
  • Tránh tụ tập, đến các nơi công cộng đông người.
  • Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các giọt dịch tiết đường hô hấp.
  • Làm sạch và khử trùng các đồ vật và bề mặt thường xuyên chạm vào bằng cách sử dụng chất tẩy rửa, lau chùi thông dụng trong gia đình.
  • Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính COVID-19 trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
  • Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lây lan.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

The post COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra appeared first on Hello Bacsi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bạn nên làm gì khi cậu nhỏ bị xước? - Hellobacsi

Cách điều trị kinh nguyệt không đều do bị stress - Hellobacsi

Giao tiếp với người khiếm thính: Cần kiên nhẫn và đúng cách - Hellobacsi