Thuốc corticosteroid và những rủi ro về thị giác - Hellobacsi

Thuốc corticosteroid là một trong những loại thuốc kê toa phổ biến. Tuy nó có thể giúp bạn điều trị một số bệnh lý nhưng trong vài trường hợp hy hữu, loại thuốc trên có nguy cơ gây ảnh hưởng đến mắt. 
Xem tiếp: 5 cách giúp bạn giảm mệt mỏi khi hành kinh
Thông thường, bác sĩ sẽ kê toa thuốc corticosteroid (steroid) với mục đích kháng viêm. Vai trò của loại thuốc này là kích thích cơ thể sản xuất cortisol.
Tương tự những nhóm thuốc kê đơn hoặc không kê đơn khác, corticosteroid cũng có tác dụng phụ. Đôi khi, chúng có thể ảnh hưởng đến mắt cũng như thị lực của người dùng theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.
Ngoài ra, thời gian sử dụng càng lâu hoặc liều lượng thuốc càng cao góp phần thúc đẩy các biến chứng xảy ra nhanh hơn.
Mặc dù rủi ro khi dùng thuốc corticosteroid không nhỏ nhưng nhóm thuốc này vẫn cần thiết cho một số liệu trình điều trị bệnh lý như:
  • Rối loạn miễn dịch
  • Ung thư
  • Viêm nhiễm
Bên cạnh đó, bạn cũng không phải quá lo lắng về tác dụng phụ của chúng. Bác sĩ đã cân nhắc kỹ lưỡng về lợi ích và rủi ro của thuốc corticosteroid trước khi kê toa cho bạn.

Những yếu tố rủi ro mà bạn có thể chưa biết

Trong một số trường hợp, bạn có thể nhạy cảm với nhóm thuốc kháng viêm này hơn những người khác. Điều này khiến các tác dụng phụ ảnh hưởng đến mắt cũng trở nên nghiêm trọng và dễ phát triển hơn.
Ngoài ra, một số yếu tố khác tạo điều kiện thuận lợi cho thuốc corticosteroid tác động đến thị lực gồm:
  • Đái tháo đường (tiểu đường)
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh tăng nhãn áp góc mở
  • Tiền sử bị viêm khớp dạng thấp
  • Cận thị
  • Tuổi tác (người cao tuổi và trẻ em từ 6 tuổi trở xuống)

Người cao tuổi và trẻ nhỏ
Tác dụng phụ của thuốc corticosteroid dễ phát triển ở người cao tuổi và trẻ nhỏ, những người không có sức đề kháng tốt.

Khi nào tác dụng phụ của thuốc corticosteroid phát triển?

Thông thường, áp lực nội nhãn có thể tăng dần sau vài tuần dùng thuốc. Tuy nhiên, một số người lại có nguy cơ bị tăng nhãn áp chỉ sau một giờ sử dụng thuốc corticosteroid.
Theo đánh giá từ các chuyên gia từ Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ, sử dụng steroid liều cao sau đó giảm dần liều lượng sẽ ít gây đục thủy tinh thể hơn so với việc dùng steroid liều thấp ngay từ đầu nhưng phải kéo dài thời gian sử dụng để đạt kết quả như mong muốn.
Mặt khác, nếu thời gian dùng thuốc corticosteroid nhiều hơn 14 ngày, hãy tham vấn với bác sĩ về việc bạn có cần theo dõi áp lực mắt thường xuyên không.

Steroid ảnh hưởng đến mắt như thế nào?

Sử dụng thuốc corticosteroid ở bất kỳ dạng nào cũng có nguy cơ gây tăng nhãn áp. Trong số đó, bạn dễ rơi vào trường hợp này nhất khi dùng steroid dạng uống hoặc thuốc nhỏ mắt.
Ngoài ra, liều lượng thuốc cao cũng là một trong các yếu tố góp phần dẫn đến vấn đề nhãn khoa, ví dụ như:

Đục thủy tinh thể

Theo các chuyên gia, việc uống steroid có nguy cơ gây nên một dạng của đục thủy tinh thể là đục thủy tinh thể dưới bao sau, tức là chỉ có một khu vực nhỏ bị mờ hình thành bên dưới thủy tinh thể.
Tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng về vấn đề này vì ngày nay, đục thủy tinh thể là một trong những vấn đề sức khỏe dễ dàng điều trị hiệu quả nhất.
Ngược lại, nếu bạn tự ý ngưng sử dụng corticosteroid cho mắt, một loạt vấn đề nguy hiểm và khó điều trị hơn có nguy cơ phát sinh, gây thiệt hại nặng nề cho “cửa sổ tâm hồn”.

Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch

Hắc võng mạc trung tâm thanh dịch (central serous chorioretinopathy hay CSC) là một tình trạng gây tích tụ dịch bên dưới võng mạc. Nếu kéo dài, bệnh có thể dẫn đến bong võng mạc, đồng thời tác động nghiêm trọng lên thị lực.
Theo Bộ Y tế, hắc võng mạc trung tâm thanh dịch phổ biến ở người trẻ tuổi và người trung niên. Đặc biệt, từ 20 tuổi trở lên bạn đã có nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Nếu sớm phát hiện hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, bác sĩ sẽ giúp bạn khôi phục thị lực bằng cách tạm ngưng dùng thuốc corticosteroid trong một thời gian.
Mặt khác, nếu tình trạng sức khỏe của bạn nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như chuyển thành mãn tính, các chuyên gia vẫn có những biện pháp điều trị hiệu quả cho trường hợp này.

Bệnh tăng nhãn áp

Trong một số trường hợp, steroid có khả năng gia tăng cường độ áp lực nội nhãn. Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra lý do chính xác vì sao tình huống trên phát sinh. Tuy vậy, họ đã đặt ra giả thiết như sau:
Một trong những tác dụng phụ của thuốc corticosteroid có thể đã ngăn cản các tế bào “ăn” mảnh vụn từ tế bào mắt. Điều này khiến những mảnh vụn bắt đầu tích tụ trong tuyến lệ, khiến nước mắt khó điều tiết ra ngoài hơn. Từ đó, áp lực nội nhãn sẽ tăng lên.

Những triệu chứng cho thấy mắt đang chịu ảnh hưởng từ thuốc corticosteroid

Bạn nên sớm tìm gặp bác sĩ đang điều trị cho mình nếu trong thời gian uống steroid, bạn đã bắt gặp bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây:

Triệu chứng đục thủy tinh thể

Các dấu hiệu đục thủy tinh thể có thể bao gồm:
  • Thấy mọi thứ mờ ảo
  • Màu sắc sự vật qua mắt bạn có xu hướng mờ nhạt dần
  • Tầm nhìn đôi
  • Mí mắt rũ xuống
  • Cảm thấy có vầng hào quang hoặc hiệu ứng mờ xung quanh đèn
  • Gặp vấn đề với tầm nhìn ngoại vi
  • Thị lực đặc biệt kém vào ban đêm

Dấu hiệu bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch

Mặc dù bệnh lý này không có biểu hiện đặc trưng, nhưng bạn vẫn có thể cảm nhận một số yếu tố bất thường đang xảy ra, ví dụ như:
  • Tầm nhìn mờ ở một hoặc cả hai bên mắt.
  • Các vật thể trông có vẻ nhỏ hoặc xa hơn khi bạn nhìn bằng con mắt bị bệnh.
  • Đường thẳng qua mắt bạn có thể trở thành xoắn ốc hoặc biến dạng.

Triệu chứng tăng nhãn áp

Thông thường, tăng nhãn áp, đặc biệt nếu do steroid, sẽ không bộc lộ dấu hiệu cho đến khi bệnh trở nặng. Tuy vậy, bạn vẫn có thể nghi ngờ áp lực mắt đang có xu hướng tăng nếu bắt gặp những triệu chứng như:
  • Tầm nhìn mờ
  • Đau mắt
  • Buồn nôn và nôn
  • Khó nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu
  • Gặp vấn đề với tầm nhìn ngoại vi
  • Đỏ mắt
Vì những lý do trên, bác sĩ luôn khuyến khích mọi người, bao gồm cả người đang dùng steroid hoặc không, nên đi khám mắt định kỳ theo quy định của Bộ Y tế. Tại đây, các chuyên gia có thể kiểm tra sức khỏe mắt và sớm phát hiện bất kỳ vấn đề sức khỏe nào đang diễn ra ở bộ phận này.

Các triệu chứng sẽ kéo dài bao lâu?

Nếu những vấn đề sức khỏe phát sinh ở mắt bạn bắt nguồn từ việc sử dụng thuốc corticosteroid, việc giảm dần liều lượng hoặc ngưng thuốc hẳn sẽ giúp các triệu chứng được cải thiện.

Ngưng dùng thuốc corticosteroid
Việc tạm ngưng dùng thuốc có thể xoa dịu phần nào những triệu chứng đang hoành hành.

Chẳng hạn như, theo một đánh giá năm vào 2017, một người bị tăng nhãn áp do steroid có thể giảm áp lực mắt trong vòng 1 – 4 tuần sau khi ngưng uống thuốc.

Làm thế nào để đối phó với các tác dụng phụ của steroid?

Tác dụng phụ của thuốc corticosteroid không chỉ ảnh hưởng đến mắt mà còn có khả năng tác động đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Do đó, khi bạn cần dùng loại thuốc này theo chỉ định của bác sĩ, hãy nắm vững những biện pháp cải thiện sức khỏe như sau:

Uống nhiều nước

Steroid có thể khiến natri tích tụ trong người, từ đó gây đầy hơi. Bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể sẽ giúp bạn “giải phóng” bớt lượng natri cũng như lượng nước dư thừa.

Tăng lượng canxi tiêu thụ

Việc bổ sung khoáng chất này có thể giúp bạn phòng ngừa loãng xương, một tác dụng phụ khác của thuốc steroid. Các thực phẩm giàu canxi phổ biến gồm sữa, phô mai, cải bó xôi…

Thực phẩm giàu canxi
Bạn có thể bổ sung canxi từ nhiều loại thực phẩm lành mạnh khác nhau.

Tập thể dục thường xuyên

Trong một số trường hợp, corticosteroid có nguy cơ ảnh hưởng đến cơ chế xử lý chất béo của cơ thể, từ đó phát sinh tình trạng thừa cân hay thậm chí là béo phì. Vì vậy, việc rèn luyện thể chất thường xuyên có thể giúp bạn duy trì trọng lượng khỏe mạnh.
Ngoài ra, thói quen này còn hỗ trợ tăng cường sự chắc khỏe cho xương, bộ phận cũng chịu tác dụng phụ của thuốc steroid.

Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá hoàn toàn

Hút thuốc lá có nguy cơ khiến những tác dụng phụ do steroid gây ra trở nên nghiêm trọng và khó giải quyết hơn.

Uống thuốc corticosteroid vào buổi sáng

Nếu có thể, bạn nên uống steroid vào buổi sáng. Nguyên nhân là do thuốc có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn, khiến bạn khó ngủ hơn nếu được dùng vào buổi tối.

Khi nào bạn cần đi gặp bác sĩ?


Tham vấn ý kiến bác sĩ về rủi ro khi dùng thuốc corticosteroid
Đừng quên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn có những biểu hiện bất thường khi dùng steroid nhé.

Nếu bạn phải sử dụng bất kỳ loại thuốc corticosteroid nào hơn 14 ngày, hãy tìm gặp bác sĩ để hỏi về những rủi ro ảnh hưởng đến mắt bạn.
Bên cạnh đó, khi đang trong quá trình điều trị, bạn không được ngưng sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Điều này có nguy cơ kéo theo hàng loạt vấn đề nghiêm trọng hơn so với tác dụng phụ của steroid, chẳng hạn như:
  • Đau nhức xương khớp
  • Đau cơ
  • Sốt cao
  • Mệt mỏi hay thậm chí là suy nhược cơ thể
Nếu tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn bắt buộc cần sự can thiệp của thuốc corticosteroid, bác sĩ có thể đề xuất một số phương pháp đối phó với những tác dụng phụ đang diễn ra.
Ví dụ như nếu steroid khiến áp lực nội nhãn tăng lên, các chuyên gia sẽ kê toa cho bạn thuốc nhỏ mắt đặc trị nhằm giảm và duy trì cường độ lực này ở mức bình thường.
Steroid là loại thuốc kháng viêm kê toa phổ biến. Thông thường, thời gian dùng chúng tương đối ngắn nên bạn không cần phải quá lo lắng về những tác dụng phụ ảnh hưởng đến mắt. Tuy nhiên, nếu bạn cần dùng thuốc corticosteroid lâu hơn hai tuần, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ về những rủi ro cũng như cách phòng ngừa và điều trị những vấn đề kèm theo phát sinh ở mắt.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bạn nên làm gì khi cậu nhỏ bị xước? - Hellobacsi

Cách điều trị kinh nguyệt không đều do bị stress - Hellobacsi

Giao tiếp với người khiếm thính: Cần kiên nhẫn và đúng cách - Hellobacsi