Dạy bé tập nói: Cần lắm sự kiên nhẫn giúp đỡ của bố mẹ
Dạy bé tập nói để bố mẹ có thể dễ dàng giao tiếp với con. Vì thế, khi con bập bẹ những tiếng nói đầu đời, bố mẹ vô cùng hạnh phúc.
Nói và hiểu luôn đi đôi với nhau. Bằng việc lắng nghe người khác nói, trẻ sẽ học được những từ chúng thích và đặt câu thích hợp. Trẻ mất ít nhất từ 4 – 5 tháng mới biết cách tạo ra những âm thanh đầu tiên như “mẹ”, “ba”.
Khi trẻ 1 tuổi, trẻ có thể bắt chước những âm thanh xung quanh mặc dù chỉ có chúng mới hiểu được ngôn ngữ của mình. Vào giai đoạn phát triển, trẻ có thể đặt câu hỏi với vài từ đơn giản, sau đó là kể câu chuyện mà chúng nghĩ ra.
Trẻ tập nói khi nào?
Bé yêu sẽ thường tập nói trong khoảng 2 năm đầu tiên sau khi chào đời. Một thời gian dài trước khi bé nói được một vài từ đầu tiên, bé đã học được quy tắc về ngôn ngữ và cách người lớn giao tiếp với nhau. Bé sẽ bắt đầu bằng cách sử dụng lưỡi, môi, vòm miệng và những chiếc răng sữa để tạo ra âm thanh, ví dụ như ban đầu là tiếng khóc, sau đó là những âm như “ô” và “a” trong tháng đầu, sau đó sẽ thành những từ có nghĩa như “ba, bà” vào khoảng tháng tuổi thứ 6.
Từ lúc đó trở đi, bé sẽ tiếp thu được nhiều từ hơn từ những người xung quanh. Vào giữa tháng tuổi thứ 18 cho tới khi con được 2 tuổi, bé sẽ bắt đầu chuyển từ những từ riêng biệt, đơn lẻ thành những câu 2 hay 4 từ, sau đó bé sẽ nói theo suy nghĩ, cảm xúc và có sự thay đổi trong hành vi. Bé có thể sử dụng từ ngữ để mô tả những gì mà con thấy, nghe, cảm nhận, suy nghĩ và muốn.
Các giai đoạn con yêu tập nói
1. Từ 12 – 18 tháng tuổi
Khi 1 tuổi, bé có thể nói được 1 – 2 từ có nghĩa. Vài tháng sau, bé sẽ bắt chước những từ bé nghe được. Lúc này, bạn có thể nghe bé lẩm bẩm giống như đang nói chuyện thật sự.
Nói chuyện là một phương tiện giao tiếp để bé có thể bày tỏ ý kiến của mình. Khi học được nhiều từ hơn, bé sẽ kết hợp lời nói và điệu bộ để nói lên mong muốn của mình. Ví dụ, bé sẽ chạm tay tới món đồ chơi yêu thích của mình và nói “quả bóng”.
Một số trẻ dùng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với bố mẹ. Khi muốn ăn, bé sẽ đặt tay lên môi hay bé sẽ đập tay khi cảm thấy nản lòng. Đừng lo lắng nếu thấy bé cố gắng để diễn đạt ý kiến của mình. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy bé cố gắng giao tiếp với bạn và quan tâm liệu bạn có hiểu bé hay không.
Khi 18 tháng tuổi, bé có thể nhận biết ra những âm quen thuộc. Điều này giúp cho bé học từ vựng nhanh hơn và hầu hết những đứa trẻ đều trải qua giai đoạn này. Bạn đừng hy vọng sẽ hiểu những âm thanh này.
2. Từ 19 – 24 tháng tuổi
Bé yêu đã có thể hiểu được những câu ra lệnh và câu hỏi đơn giản. Mỗi tháng, bé sẽ học được nhiều từ vựng hơn. Những từ vựng đó có thể là những danh từ chỉ những đồ vật trong cuộc sống như “muỗng”, “xe hơi”. Trong giai đoạn này, bé có thể bắt đầu ghép hai từ lại với nhau. Tuy nhiên, những câu này không đúng về mặt ngữ pháp, chẳng hạn như “con đi”.
Bé phải mất một thời gian nữa mới biết được mình phải nói như thế nào và cố gắng gọi tên những đồ vật mới mà bé thấy. Tuy nhiên, bé cũng gặp khó khăn với những từ bé biết trước đó, ví dụ như tất cả những loại động vật bé đều gọi là “chó”.
Khi bé được 2 tuổi, bé có thể nói một câu gồm 2 – 4 từ và hát với các giai điệu đơn giản. Bé sẽ nói với bạn về những gì mình thích, không thích, suy nghĩ và cảm nhận của mình. Bạn có thể nghe bé nói: “Con muốn uống sữa” hay “Con ném”. Lúc này, bạn nên nhắc nhở bé cách dùng từ đúng.
3. Từ 25 – 30 tháng tuổi
Giai đoạn này, bé đã có rất nhiều vốn từ và bắt đầu trải nghiệm với những mức độ âm thanh. Thỉnh thoảng, bé sẽ la lên khi bé nói chuyện bình thường hay thì thầm để trả lời câu hỏi, nhưng bé sẽ điều chỉnh âm thanh sao cho phù hợp.
Bé cũng bắt đầu biết sử dụng danh từ trong lúc xưng hô như “con”, “mẹ”. Khi bé khoảng 2 tuổi, vốn từ của bé đã tăng lên hơn 200 từ. Bé sẽ kết hợp danh từ và động từ với nhau để tạo thành những câu đơn, chẳng hạn như câu: “Con muốn ăn bây giờ”.
Con còn có thể kể về những chuyện đã xảy ra, nhưng không biết cách dùng từ để diễn tả một hành động trong quá khứ hay đồ vật với số lượng nhiều, chẳng hạn như: “Hôm qua con đã chạy”, “Con đã đi bơi” hay là “những con chuột”. Điều này cho thấy bé đang bắt đầu nắm vững những quy tắc về ngữ pháp.
Ở độ tuổi này, trẻ có thể trả lời những câu hỏi đơn giản như: “Con có muốn ăn snack không?” hay “Giày của con ở đâu?”. Nếu nhận thấy bé không đáp lại, bạn hãy đưa bé đến bác sĩ khám vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé chậm phát triển.
4. Từ 31 – 36 tháng tuổi
Khi bé 3 tuổi, kỹ năng nói của bé sẽ thành thạo hơn. Bé có thể kéo dài cuộc trò chuyện, điều chỉnh giọng nói và biết cách sử dụng từ vựng phù hợp với người mà bé đang trò chuyện. Bé thường sử dụng những từ ngữ đơn giản hơn với bạn đồng trang lứa, nhưng bé sẽ nói những câu có cấu trúc phức tạp hơn khi nói chuyện với người lớn, chẳng hạn như “Con cần đi vệ sinh”. Bé hiểu rõ hơn về quy tắc, cách nói danh từ số nhiều và đại từ nhân xưng chính xác.
Bây giờ, với những người lớn, kể cả người lạ, đều có thể hiểu hết mọi thứ bé nói mà không cần cố gắng nữa. Ngoài ra, bé có thể dễ dàng trả lời khi được hỏi về tên và tuổi của mình. Đây là 4 giai đoạn thường gặp khi bé vừa tập nói nhưng bên cạnh đó còn các cột mốc quan trọng khác mà các bà mẹ cần biết để hiểu rõ về bé hơn, các bạn tham khảo tại đây.
Bố mẹ làm gì để hỗ trợ khả năng nói của bé?
1. Trò chuyện cùng bé
Bố mẹ không cần phải trò chuyện không ngưng nghỉ cùng bé, nhưng hãy cố gắng nói chuyện với bé bất kể khi nào bạn ở cạnh con hay mô tả những thứ bạn đang làm, chỉ dẫn, hỏi và hát cùng bé. Bạn nên sử dụng những câu nói đơn giản, dễ nghe và đừng nói quá nhiều. Bé sẽ học ngôn ngữ từ bạn.
2. Đọc
Đọc là một cách hữu hiệu để giúp bé tiếp xúc với nhiều từ vựng hơn, bé sẽ học cách gắn kết các câu và hiểu bố cục của câu chuyện. Khi bé cảm thấy thích âm điệu giọng nói của bạn, thích câu chuyện và thích hình ảnh, bé sẽ sẵn sàng nhảy cỡn lên để kể cho bạn nghe những gì bé đã nghe được.
3. Nghe
Khi bé trò chuyện cùng bạn, bố mẹ cần đóng vai trò là một người lắng nghe, hãy nhìn bé và hồi đáp lại với những gì bé đang nói. Bé sẽ thích trò chuyện hơn.
Bạn cần làm gì nếu bé chậm nói?
Bố mẹ chính là những người đầu tiên giúp con phát triển ngôn ngữ. Nếu bé có bất kỳ biểu hiện gì khiến bạn lo lắng và phân vân, ví dụ như đến tuổi nhưng bé vẫn chưa chịu nói chuyện, bạn nên nhờ đến sự tư vấn của các bác sĩ và chuyên gia. Con bạn cần được kiểm tra về khả năng nghe nói, đánh giá về khả năng ngôn ngữ. Nếu có bất kỳ vấn đề bất thường, các bác sĩ sẽ đề ra giải pháp can thiệp sớm.
Sau khi bé biết nói, bạn cần làm gì tiếp theo?
Khi bé lớn hơn, con như là một chú chim liến thoắng suốt cả ngày khiến bạn chỉ mong đợi những khoảnh khắc yên tĩnh như xưa. Thế nhưng trên hết, bạn sẽ thấy vui vẻ và hạnh phúc khi nghe bé kể cho bạn về những điều xảy ra ở trường, suy nghĩ về những con vật xung quanh hay cách bé mô tả những món ăn ưa thích.
Khi được 4 tuổi, bé sẽ nói những câu 5 hoặc 6 từ. Bé bắt đầu hiểu và sử dụng một số văn phạm cơ bản cũng như kể chuyện và nói chuyện với không chỉ người quen mà cả những người lạ. Bé cũng sẽ biết tên họ mình và có vô vàn thắc mắc, những câu hỏi tại sao.
Bé cưng bắt đầu tập nói là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của con. Bố mẹ nên khuyến khích bé tâp nói và học nhiều từ vựng hơn nữa nhé!
Việc tập cho trẻ nói tốn rất nhiều thời gian. Do đó, bố mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với con để con có thể biết thêm nhiều từ vựng cũng như hoàn thiện hơn về kỹ năng giao tiếp của mình nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề Dạy bé tập nói qua Hellobacsi.com nhé!
Nhận xét
Đăng nhận xét