Dấu hiệu sắp sinh để chào đón con yêu ra đời

Rất khó để có thể nhận biết chính xác thời điểm diễn ra dấu hiệu sắp sinh xuất hiện. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng, Hello Bacsi sẽ chia sẻ cho các mẹ bầu dấu hiệu sắp sinh chính xác nhất và dễ dàng nhận biết nhất.  Ngoài ra, nếu ở trường hợp khẩn cấp sắp sinh, mẹ bầu nên làm gì? Làm thế nào để phân biệt được dấu hiệu sắp sinh giả và chuyển dạ thật?
Dấu hiệu sắp sinh là tín hiệu báo hiệu một thiên thần sắp được chào đời. Tuy nhiên, làm thế nào để phân biệt được dấu hiệu chuyển dạ thật và chuyển dạ giả?

Làm sao để phân biệt giữa chuyển dạ thật với chuyển dạ giả?

Phải làm thế nào đây khi bạn không thể xác định chính xác thời gian bạn sẽ sinh con vì các cơn co chuyển dạ giả sẽ có cảm giác giống như các cơn co thắt thật mà có thể bạn đã gặp phải trong nhiều tuần qua? Thông thường, khi sắp sinh, các cơn co thắt thật sẽ trở nên đau dần và cứ khoảng 10–20 phút thì xảy ra 1 lần. Tuy nhiên, nếu các cơn đau xảy ra không đều thì đó chỉ là chuyển dạ giả mà thôi.
Mặt khác, các co thắt xảy ra khi bạn thật sự sinh con thì:
  • Đau hơn theo thời gian;
  • Kéo dài hơn;
  • Xảy ra đều đặn;
  • Khoảng cách giữa các đợt co thắt trở nên ngắn hơn.
Nếu có máu kèm theo các cơn co thắt, bạn thật sự sắp sinh rồi đấy.
Bạn cũng sẽ phân biệt được giữa chuyển dạ thật với chuyển dạ giả bằng cách tính thời gian giữa các cơn co thắt. Ban đầu, các cơn co chuyển dạ sẽ xảy ra 10 phút 1 lần nhưng các cơn đau này sẽ không giảm bớt hoặc dừng lại. Theo thời gian các cơn co thắt sẽ mạnh hơn và khoảng cách giữa các lần đau cũng sẽ ngắn lại.
Nếu chuyển dạ thật, ban đầu bạn sẽ cảm thấy đau ở phía sau lưng rồi từ từ di chuyển ra phía trước. Nếu chuyển dạ giả, cơn đau thường chỉ xuất hiện ở gần phía trước bụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì các cơn co thắt có thể ập tới mà không có hoặc rất ít dấu hiệu cảnh báo. Nhìn chung mỗi lần chuyển dạ sẽ rất khác nhau ở mỗi người.

6 dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu cần biết

Một số phụ nữ sẽ xuất hiện những dấu hiệu trước khi sinh nhưng một số khác thì lại không. Có một số dấu hiệu sắp sinh cơ bản nhất giúp mẹ bầu nhận ra dấu hiệu sắp sinh của bản thân để có sự chuẩn bị tốt nhất. Những dấu hiệu này bao gồm:
  • Hiện tượng lọt (Thai nhi di chuyển xuống dưới)
  • Các cơn gò tử cung
  • Rơi nút nhầy cổ tử cung
  • Co thắt bụng, bụng căng cứng
  • Giãn nở cổ tử cung
  • Vỡ ối.

1. Hiện tượng lọt khi mang thai là dấu hiệu sắp sinh đầu tiên

Hiện tượng lọt là quá trình thai nhi dịch chuyển xuống dần vào khung xương chậu. Hiện tượng này có thể xảy ra vài tuần hoặc vài giờ trước khi chuyển dạ. Tử cung đè lên bàng quang nhiều hơn sau khi bé lọt nên bạn có thể cảm thấy muốn đi tiểu nhiều hơn.

2. Xuất hiện các cơn gò tử cung

Các cơn gò thường gây khó chịu hoặc đau nhức ở lưng và bụng dưới, tạo áp lực đè xuống khung chậu. Trong những cơn gò tử cung, bụng sẽ trở nên cứng hơn. Giữa các cơn gò, tử cung giãn ra và vùng bụng trở nên mềm trở lại. Tuy nhiên, cảm giác gò ở mỗi phụ nữ là khác nhau và có thể thay đổi từ lần mang thai này đến lần mang thai khác.

3. Rơi nút nhầy cổ tử cung

Chất nhầy tích tụ ở cổ tử cung trong thời kỳ mang thai dần dần sẽ tạo thành nút nhầy cổ tử cung. Khi cổ tử cung bắt đầu mở rộng hơn, chất nhầy sẽ rơi xuống âm đạo, nút nhầy cổ tử cung sẽ rớt vào âm đạo và có màu trong suốt, màu hồng hoặc có một ít máu. Đây là dấu hiệu cho thấy bạn có thể sinh ngay hoặc 1 đến 2 tuần sau đó.

4. Cổ tử cung giãn nở

Cổ tử cung sẽ bắt đầu giãn ra (mở) và mỏng đi (xóa) trong vài ngày hoặc vài tuần trước khi chuyển dạ để đủ chỗ cho con ra đời. Trong tuần bạn đi khám lại, bác sĩ có thể đo lường và theo dõi độ xóa và mở của cổ tử cung thông qua khám âm đạo bằng tay. Trung bình cổ tử cung phải mở 10 cm thì mới là dấu hiệu sắp sinh.

5. Co thắt bụng, bụng căng cứng

Gần đến ngày dự sinh, những cơn co thắt có thể trở nên nghiêm trọng hơn và khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Những cơn co thắt này không gây đau nhưng chúng giúp cổ tử cung bạn dần mỏng hơn và bắt đầu mở. Đây cũng là có thể là lúc để bạn thực hành một số thao tác khi sinh.

6. Vỡ nước ối

Thai nhi phát triển trong một túi chất lỏng bảo vệ gọi là túi ối. Khi túi ối vỡ nghĩa là con đã sẵn sàng chào đời. Tùy mỗi người mà nước ối có thể chảy ra nhiều thành dòng hay nhỏ từng giọt. Nước ối thông thường trong suốt hoặc có màu vàng nhạt. Khi vỡ ối, bạn nên ghi lại thời gian vỡ ối, số lượng nước ối, màu sắc của nước ối và đến gặp bác sĩ. Sau đó, bác sĩ sẽ cho bạn biết phải làm gì tiếp theo.
Khi nghi ngờ sắp sinh, bạn hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Ngoài ra, hãy đến bệnh viện khi bạn có những dấu hiệu sau:
  • Chảy máu (nhiều);
  • Thai nhi đạp ít hơn bình thường;
  • Những cơn co thắt rất khó chịu và xuất hiện mỗi 5 phút.
Khi sắp sinh, bà bầu cần chuẩn bị một số điều cơ bản. Bạn có thể tham khảo bài viết Bà bầu sắp sinh cần chuẩn bị những gì?

Làm gì để giảm đau khi chuyển dạ?

Giai đoạn đầu khi chuyển dạ là thời gian tốt nhất để bạn thư giãn tinh thần. Dưới đây là một số lời khuyên có thể giúp bạn giảm đau khi sinh con:
  • Quên đi việc đau chuyển dạ bằng cách đi dạo, xem một bộ phim
  • Ngâm mình trong bồn nước ấm hoặc tắm vòi sen ấm
  • Cố gắng ngủ đủ giấc. Bạn cần phải tích lũy năng lượng để sinh em bé.

Khi nào cần vào bệnh viện?

Khi bạn nghĩ mình sắp sinh, hãy bắt đầu tính thời gian những lần bạn bị co thắt bụng. Thời gian giữa các cơn co thắt bao gồm thời lượng của mỗi cơn co thắt và số phút giữa các cơn co thắt.
Các cơn co thắt nhẹ bắt đầu thường cách nhau từ 15 đến 20 phút và kéo dài từ 60 đến 90 giây mỗi lần. Sau đó, các cơn co thắt trở nên thường xuyên hơn cho đến khi chúng cách nhau 5 phút. Khi những cơn co thắt mạnh kéo dài từ 45 đến 60 giây và cách nhau 3 đến 4 phút thì cũng là lúc bạn cần phải đến bệnh viện.
Bạn sẽ cần phải cung cấp những thông tin về các cơn co thắt như thời gian cách quãng, độ dài của mỗi lần, mức độ đau như thế nào và các triệu chứng khác mà bạn đang gặp phải. Ngay khi bạn có các dấu hiệu sau đây, bạn hãy đi bệnh viện:
  • Vỡ ối, các cơn co thắt xuất hiện trước tuần thứ 37 (dấu hiệu bạn có thể sinh non). Các dấu hiệu sinh non bao gồm chảy máu âm đạo, tiết dịch âm đạo bất thường, đau bụng, đau vùng xương chậu hoặc đau lưng;
  • Vỡ ối hoặc rò rỉ nước ối. Hãy gọi cho bác sĩ nếu nước ối có màu vàng nâu hoặc màu xanh lục vì đây là dấu hiệu của phân su. Bạn cũng nên gọi cho bác sĩ nếu nước ối có màu máu nhé;
  • Bạn cảm thấy em bé trong bụng hoạt động ít hơn thường ngày;
  • Chảy máu âm đạo, bụng rất đau và đau liên tục hoặc bị sốt;
  • Bạn bị đau đầu nặng và kéo dài, thị lực có sự thay đổi, đau ở vùng bụng trên, bị sưng hoặc gặp bất kỳ triệu chứng khác của tiền sản giật.
Một số người nghĩ rằng, các triệu chứng và sự khó chịu này chỉ là một phần tự nhiên của thai kỳ. Tuy nhiên, đừng chủ quan mà hãy tìm hiểu kỹ về các triệu chứng bất thường của thai kỳ để biết khi nào thì nên đến bác sĩ nhé.
Bên cạnh đó, sinh nở là việc xảy ra hoàn toàn tự nhiên, tuy nhiên bạn có thể cần một chút sự trợ giúp trong một số trường hợp. Nếu bác sĩ khuyên bạn nên sinh ngay thay vì chờ đợi, họ sẽ kích thích chuyển dạ để hạn chế những tình huống xấu sẽ xảy ra khi bạn đang ngồi trên xe hoặc đi du lịch mà con muốn chào đời. Có 2 loại kích thích chuyển dạ mà mẹ bầu cần biết:

1.Kích thích chuyển dạ nhờ sự can thiệp của y tế

Nhiều thai phụ đã chọn phương pháp kích thích chuyển dạ vì sự tiện lợi của nó. Cách kích thích chuyển dạ đầu tiên là can thiệp bằng y tế và các cách khác là thông qua một số biện pháp bạn có thể tự làm tại nhà.

Sử dụng thuốc

Bác sĩ có thể kích thích cơn co thắt xuất hiện bằng cách chèn một viên thuốc hoặc gel vào âm đạo của bạn hoặc thông qua truyền tĩnh mạch. Các loại thuốc bao gồm:
  • Oxytocin. Cơ thể bạn sản xuất ra hormone oxytocin một cách tự nhiên để kích thích cơn co thắt. Pitocin và Syntocinon là những thuốc thuộc oxytocin. Chúng có thể được cung cấp thông qua truyền tĩnh mạch với liều thấp để kích thích cơn co thắt;
  • Prostaglandin. Đây là thuốc gel được đưa vào âm đạo vào buổi tối, làm cho tử cung co bóp sẵn sàng lâm bồn vào sáng hôm sau. Một lợi thế của phương pháp này là các mẹ có thể đi lại tự do trong lúc đặt thuốc.

Chọc ối

Vỡ ối nhân tạo còn được gọi là chọc ối. Bạn nên nhờ đến bác sĩ sinh sản hay nữ hộ sinh kích thích sinh sản bằng phương pháp này. Khi túi ối vỡ, quá trình sản xuất prostaglandin tăng, đẩy nhanh tiến độ các cơn co thắt. Để kích thích quá trình sinh nở dễ dàng, một số bác sĩ có thể đề nghị bạn chọc ối.

2.Kích thích chuyển dạ tự nhiên

Nếu bạn không muốn can thiệp bằng những phương pháp y tế thì cũng có một số cách tự nhiên để tác động lên cổ tử cung và kích thích chuyển dạ. Tuy nhiên, cần bảo đảm sự an toàn tuyệt đối trong mỗi trường hợp. Một số cách có thể thực hiện tại nhà bao gồm:

Kích thích núm vú

Đây là một hình thức tự nhiên kích thích sinh sản mà bạn có thể dễ dàng làm điều đó với một máy bơm sữa bằng điện. Kích thích đầu vú hoặc massage vú có thể giải phóng hormone oxytocin dẫn đến sự co thắt. Điều này cũng giống như cho con bú ngay sau sinh, giúp kích thích các cơn co thắt và làm chậm sự chảy máu.

Tập thể dục

Đi bộ hoặc leo cầu thang có thể kích thích sinh nở. Cách này giúp tác động cho đầu bé hướng xuống dưới bụng của bạn. Khi đầu của em bé tạo áp lực lên cổ tử cung sẽ giúp bạn sinh dễ dàng hơn. Mỗi ngày bạn thử đi bộ 15–20 phút hoặc leo 1 hoặc 2 tầng, hít thở không khí trong lành cũng rất có lợi. Tập thể dục bằng cách này cũng có thể tăng sức khỏe cho bạn, chuẩn bị cho quá trình vượt cạn sắp diễn ra.

Thảo dược bổ sung

Bạn có thể tìm mua dầu evening primrose, dạng viên nang dùng 3 lần 1 ngày hoặc trực tiếp vào cổ tử cung, giúp làm mềm cổ tử cung chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Bạn cũng nên uống trà mâm xôi khoảng vài tuần trước ngày sinh.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho mẹ bầu nhiều thông tin hữu ích về những dấu hiệu sắp sinh cũng như cách phân biệt giữa chuyển dạ thật và chuyển dạ giả để mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất chào đón con yêu ra đời.
Theo nguồn: Hellobacsi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bạn nên làm gì khi cậu nhỏ bị xước? - Hellobacsi

Cách điều trị kinh nguyệt không đều do bị stress - Hellobacsi

5 cách massage ngực giúp bạn bảo vệ sức khỏe - Hellobacsi